Thưởng thức bún xào ngán Hạ Long
Thưởng thức bún xào ngán Hạ Long
Được xếp vào danh sách những món ăn ngon, độc, lạ và khiến thực khách “cháy túi” với giá thành xa xỉ, song bún xào ngán Hạ Long lại có tạo hình đơn giản đến bất ngờ.
Nếu chưa từng biết đến con ngán, bạn sẽ “ngao ngán” khi chiêm ngưỡng món ăn nhìn khôn hề đẹp mắt này. Có điều, xấu xấu, bẩn bẩn như thế nhưng ngoài chợ, giá của nguyên liệu đã là 300.000 đồng một ký. Lý giải điều này, một người dân địa phương cho biết: "Có 3 nguyên nhân, một là ngán khá hiếm, hai là ăn cực ngon, cuối cùng dù là hải sản nhưng ngán được xếp vào nhóm bổ dưỡng cho sản phụ sau khi sinh".
Tuy có giá thành ngất ngưởng như thế, nhưng ngán được chế biến thành các món rất bình dân như kho, nấu canh rau ngót, gỏi... Món cầu kỳ, công phu nhất, được xưng tụng ngon nhất cũng chỉ dừng ở mức bún xào ngán. Song nếu được một lần thưởng thức các món ăn được chế biến từ ngán, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ở lần sau.
Thoạt trông, món bún ngán xào nhìn không được bắt mắt, bởi bún trắng trộn với ngán đen, lại có thêm mộc nhĩ, nấm hương và hành lá cũng đều là thứ xanh, đen cả. Hơn nữa, nếu chưa quen ăn ngán thì khó thích món này vì nó nồng, một mùi vị nồng rất đặc trưng của ngán. Nhưng khi đã yêu thích bún ngán xào nó có thể gây nghiện và mới vỡ lẽ ra rằng đĩa thức ăn trông không được bắt mắt kia lại làm cho ta nhận ra được ngay thứ mà ta yêu thích, bởi nó tạo ra một khoảng riêng trên mâm tiệc, không lẫn với bất cứ món ăn nào.
Bún dùng kéo cắt ngắn độ 5cm, gỡ tơi, để sẵn trong một cái đĩa to sâu lòng hay trong cái chảo, cái xoong cũng được. Ngán dùng dao bổ tách vỏ, hứng lấy nước trong mình ngán vào bát to, gạt thịt ngán luôn vào đó. Tuỳ vào lượng ngán mà cần nhiều bún hay ít. Thường thì nửa cân bún cần khoảng 3 lạng ngán, nhiều thì tới 5 lạng. Thịt ngán lấy đủ vào bát, dùng tay mân mê, đẩy sạch bùn cặn vớt ra cho lên thớt, thái nhỏ. Nước ngán trong bát để lắng cặn, gạn sang một cái bát khác, để riêng. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm rửa sạch, thái chỉ, nhỏ. Hành hoa cắt khúc dài khoảng một đốt ngón tay… Sau đó đổ thịt ngán vào bún, cho vừa bột canh, mỳ chính, trộn đều. Bắc chảo lên bếp, để dầu hoặc mỡ nóng già, cho hành hoa vào phi thơm thì đổ bún ngán đã trộn vào xào. Ngán, bún chín chừng bảy lẻ đổ tiếp mộc nhĩ, nấm hương vào xào lẫn. Tiếp tục xào cho tới gần chín thì rưới một ít nước mình ngán ở cái bát để riêng kia vào, đảo đều chờ tới khi mọi thứ chín hẳn (thứ nước ở mình ngán có thể cho hoặc không cho vào, nếu người ăn thích hoặc không thích tăng vị thơm nồng của ngán. Cũng giống như khi rửa ngán, người ta không rửa nước lã, phải rửa ngay trong nước ở mình nó, để ngán không bị nhạt, bị tanh, là vậy). Bắc ra rắc hạt tiêu, ăn nóng.
Nhưng ngán có vị đặc trưng là khá nồng. Không biết có phải nó có vị nồng mà người ta gọi nó là “ngán” không, hay là có cả con ngao nữa, cũng có vị đớt, mà thành “ngao ngán” (!). Dầu vậy, kể cả ngao và nhất là ngán, như ở trên có nhắc, lúc đầu chưa ăn quen, món bún ngán xào nói riêng và các món ăn khác chế biến từ ngán nói chung không dễ ăn, song ăn quen rồi lại thành ra nghiện. Thế mới… chết. Không biết có phải vì thế không mà mỗi lần có dịp về Quảng Yên, “người ta” hay quyến rũ tôi bằng món bún ngán xào, để rồi khi xa cồn cào nỗi nhớ.
Chuẩn nhất khi thưởng thức bún xào ngán là phải nhấm nháp cùng rượu ngán. Cách chế biến loại rượu này khá đơn giản: cho thịt ngán tươi vào ly, đổ rượu vào. Lập tức cả thịt ngán và rượu đều chuyển sang màu hồng phớt. Thực khách vừa nhấm nháp bún xào, vừa đưa đẩy với vị cay, tanh tanh, nồng nồng của rượu. Đến khi đĩa bún xào gần hết, ngửa cổ, tu một hơi cả ly rượu lẫn những con ngán chín tái, thưởng thức cái ngon trọn vẹn của loại nhuyễn thể “đáng tiền” này.
Ngoài bún xào ngán, còn có các món khác như bún tươi xào ngán hay ngán hấp… tạo hình có thể khác nhau, vị ngon cũng chênh lệch nhưng đều khiến người ta thèm khi nhớ đến.