Phân vùng nguy cơ trượt lở hệ thống các đảo trên Vịnh Hạ Long
Phân vùng nguy cơ trượt lở hệ thống các đảo trên Vịnh Hạ Long
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu phân vùng nguy cơ trượt lở ở khu vực Vịnh Hạ Long để làm cơ sở khoa học quan trọng giúp chính quyền các cấp xây dựng các quy hoạch, kế hoạch thích ứng.
Một góc khu vực Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: TTXVN)
Vịnh Hạ Long đang tận dụng lợi thế là di sản thiên nhiên thế giới để đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa vào du lịch, nhưng các hoạt động này cũng như bản thân các giá trị di sản lại chịu tác động tiêu cực của tai biến trượt lở trên hệ thống các đảo.
Nhóm các nhà khoa học Đỗ Thị Yến Ngọc, Trần Điệp Anh, Trần Tân Văn, Đoàn Thế Anh, Nguyễn Văn Đông, Đỗ Văn Thắng, Trịnh Thị Thúy, Nguyễn Phúc Đạt thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở, đổ lở và xói lở bờ hệ thống đảo làm cơ sở cho việc quản lý bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long."
Các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu phân vùng nguy cơ trượt lở ở khu vực Vịnh Hạ Long để làm cơ sở khoa học quan trọng giúp chính quyền các cấp xây dựng các quy hoạch, kế hoạch thích ứng và giảm nhẹ thiên tai cũng như chuẩn bị các biện pháp bảo vệ các đảo nơi đây.
Đánh giá khách quan các tai biến địa chất
Một trong những vấn đề “nóng” của Vịnh Hạ Long là tính toàn vẹn của các giá trị di sản, cụ thể ở đây là tính toàn vẹn của hệ thống các đảo trong phạm vi khu di sản.
Theo báo cáo của Ban quan lý Vịnh Hạ Long, trượt lở đã xảy ra trong thời gian gần đây làm mất một phần, thậm chí toàn bộ một số đảo trên Vịnh, điển hình như các hòn 649 năm 2013, hòn Thiên Nga năm 2016...
Hợp tác với các cơ quan tư vấn chuyên ngành, Ban quản lý Vịnh Hạ Long bước đầu đã có một số biện pháp kịp thời như triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất các biện pháp thích hợp nhằm giảm nhẹ, khắc phục hậu quả các tai biến địa chất.
Trên cơ sở điều tra khảo sát, các nhà khoa học đã phân chia được 5 cấp độ nguy cơ trượt lở.
Cụ thể, đối với các đảo đá vôi hệ tầng Bắc Sơn, nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm 66,6% diện tích, nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 25,6% diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm 7,9% diện tích.
Đối với các đảo đá hệ tầng Cát Bà, nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm 45,71% diện tích, nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 47,81% diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm 6,47% diện tích.
Trượt lở các đảo ở Vịnh Hạ Long là một quá trình/hiện tượng địa chất chủ yếu là tự nhiên, chỉ trở thành tai biến khi gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho con người, cơ sở vật chất và môi trường.
Song trượt lở các đảo ở Vịnh Hạ Long làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các giá trị di sản, và vì thế rõ ràng là một dạng tai biến địa chất.
Phân vùng nguy cơ trượt lở
Qua khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã xác định tổng cộng được 456 điểm đã và đang có nguy cơ xảy ra trượt lở, trong đó 288 điểm trên các đảo đá hệ tầng Bắc Sơn, 168 điểm trên các đảo đá hệ tầng Cát Bà.
Các nhà khoa học tiến hành chồng ghép bản đồ hiện trạng trượt lở lên các bản đồ thành phần đã được thành lập, từ đó phân tích, đánh giá ảnh hưởng của từng yếu tố, phân chia thành các cấp độ phù hợp để phục vụ việc thành lập bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở hệ thống các đảo.
Bản đồ phân cấp mức độ nhạy cảm chỉ số thống kê tích hợp đa biến (LSI) được phân ra 5 mức độ nhạy cảm đối với cả hai hệ tầng đá vôi, tương ứng với các cấp độ nguy cơ rất thấp, thấp, trung bình, cao và rất cao.
Các đảo đá vôi hệ tầng Bắc Sơn chủ yếu có nguy cơ trượt lở đổ lở rất thấp đến thấp (chiếm đến 2/3 diện tích). Nguy cơ trượt lở trung bình chiếm 1/4 diện tích và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm chỉ khoảng 8% diện tích.
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Bảo Anh/Vietnam+)
Tương tự như vậy, đối với các đảo đá vôi hệ tầng Cát Bà nguy cơ trượt lở thấp và rất thấp chiếm khoảng 45% diện tích; nguy cơ trượt lở trung bình chiếm khoảng 48% diện tích; và nguy cơ trượt lở cao và rất cao chiếm khoảng 7% diện tích.
Từ kết quả khảo sát và nghiên cứu nêu trên, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản kiến nghị các khu vực có nguy cơ trượt lở cao và rất cao cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoặc cắm biển cảnh báo, hạn chế người và các phương tiện qua lại, đặc biệt vào mùa mưa bão.
Cần áp dụng một số phương pháp quan trắc đối với các khu vực đang có hoạt động du lịch đồng thời lại có nguy cơ trượt lở cao và rất cao như quan trắc tốc độ ăn mòn chân đảo, quan trắc tốc độ dịch chuyển của hệ thống khe nứt, quan trắc cảnh báo trượt lở...; tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết về trượt lở đối với các đảo trên khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
Đặc biệt, các đảo có dân cư sinh sống và đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như đường sá, cầu cống, nhà cao tầng... như ở các đảo Cái Bầu, Quan Lạn, Cô Tô, Thanh Lân...
Nguồn: vietnamplus.vn