"Đánh thức" những vùng văn hoá nhà Trần ở Quảng Ninh
"Đánh thức" những vùng văn hoá nhà Trần ở Quảng Ninh
Đậm dấu xưa
Các dấu tích của nhà Trần trong cả nước vì nhiều lý do khác nhau, đến nay còn lại không nhiều. Ở Quảng Ninh, các di tích thời Trần còn lại tương đối nhiều và phân bố rải rác ở một số địa phương. Trong đó, các di tích ở Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Vân Đồn đã tạo thành những quần thể di tích lớn với giá trị độc đáo hơn cả. Như Đông Triều, quê gốc của nhà Trần tập trung một hệ thống đền, miếu, chùa tháp khá dày đặc với nhiều công trình lớn như chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên, am - chùa Ngoạ Vân, đền Thái, đền An Sinh và 7 lăng mộ của các vua nhà Trần. Riêng chùa Quỳnh Lâm, vốn được xây dựng và nổi tiếng từ đời Lý nhưng chùa thực sự trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng, lớn nhất cả nước trong thế kỷ 14.
Không như Đông Triều là trung tâm văn hoá, tín ngưỡng của nhà Trần, Thương cảng cổ Vân Đồn lại có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế. Đây là Thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt, chiếm một vị trí hết sức đặc biệt, là đầu mối ngoại thương sớm nhất trong lịch sử nước ta. Thương cảng ra đời từ đời Lý vào năm 1149 và hoạt động kéo dài qua nhiều triều đại nhưng phát triển thịnh vượng nhất là vào đời Trần. Các nhà khoa học đã khẳng định, trung tâm thương cảng cổ nằm trên phạm vi hai xã đảo Quan Lạn và Thắng Lợi, với hai bến chính là Cống Cái và Cái Làng cùng nhiều vụng đỗ tàu, bảo tháp và nhiều chùa như: Chùa Lấm, chùa Cát, chùa vụng Chuồng Bò, chùa Cây Quéo…
Bên cạnh đó, khu di tích (KDT) Chiến thắng Bạch Đằng tại TX Quảng Yên lại ghi dấu chiến thắng oanh liệt nhất của nhà Trần với giặc Nguyên Mông năm 1288. Nói như vậy là bởi với chiến thắng này, quân dân nhà Trần đã tiêu diệt được một trong những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thời ấy, đập tan mưu đồ tái xâm lăng nước ta một lần nữa, đồng thời cũng góp phần tiêu diệt luôn tham vọng xâm lược các quốc gia phương Nam khác của đế quốc Nguyên - Mông. Hàng loạt di tích còn lại đến ngày nay như đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà, bến đò Rừng, đình Yên Giang, đền Trung Bản, đình Trung Cốc, các bãi cọc… là những minh chứng cho chiến thắng lịch sử năm nào.
Khác với những quần thể di tích kể trên, Yên Tử được coi là đất thiêng từ xa xưa. Suốt các triều đại từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn, nơi đây đã hội tụ nhiều bậc thiền sư “đạo cao, đức trọng” về tu hành. Đặc biệt là vào đời Trần, vua Trần Nhân Tông về đây tu hành đã sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm, dòng thiền thuần Việt duy nhất ở nước ta theo tinh thần “nhập thế”, gắn đạo với đời. Tư tưởng của dòng thiền này tiếp tục được phát triển ở đời sau với hai vị sư tổ là Pháp Loa và Huyền Quang, đưa Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm. Với lịch sử kéo dài như vậy, đặc biệt phát triển vào thời Trần, Yên Tử đã được đầu tư xây dựng trở thành một quần thể kiến trúc quy mô lớn và hiện vẫn còn tồn tại nhiều chùa chiền, hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Các di tích nằm rải rác, đan xen với cảnh quan tự nhiên, trải dài từ Bí Thượng lên tới đỉnh núi Yên Tử.
Để các di tích “toả sáng”
Đánh giá cao giá trị các KDT, vì vậy, gần đây KDT nhà Trần tại Đông Triều, KDT Chiến thắng Bạch Đằng và KDT Yên Tử nay đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tuy vậy, chịu tác động mạnh của thời gian và những biến thiên lịch sử, không ít điểm di tích gắn với nhà Trần trên địa bàn tỉnh chỉ còn là phế tích với nền móng và một số hiện vật còn sót lại. Cũng chỉ có KDT Yên Tử là thu hút được lượng khách đáng kể hành hương về tham quan, vãn cảnh, lễ Phật, nhất là vào mùa hội xuân.
Nằm trong chủ trương chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh việc lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị các KDT trọng điểm gắn với các di tích kể trên. Đến nay, chỉ trừ quy hoạch của KDT Thương cảng cổ Vân Đồn đang trong quá trình lập, thẩm định, quy hoạch của 3 KDT còn lại đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đi vào triển khai thực hiện. Theo đó, Yên Tử là nơi được đầu tư lớn nhất. Đến nay, Yên Tử đã và đang có hàng loạt hạng mục công trình được trùng tu, xây dựng như: Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Am Dược, chùa Một Mái, các am thất, tháp khu Mắt Rồng, chùa Vân Tiêu, chùa Trình; hệ thống chiếu nghỉ và nhà vệ sinh trên toàn tuyến hành hương; khu vực tượng Phật hoàng và An Kỳ Sinh… Với KDT Bạch Đằng, toàn bộ các điểm thờ tự nay đã được đầu tư xong, công trình cuối cùng là đình Yên Giang vừa qua đã cất nóc, đi vào giai đoạn hoàn thiện. KDT nhà Trần ở Đông Triều cũng đã hoàn thành tôn tạo Thái lăng, đang chuẩn bị cất nóc chùa Ngoạ Vân…
Điều đáng nói là, hầu hết các di tích này đều được xây dựng theo chủ trương xã hội hoá mạnh mẽ trong đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích của tỉnh. Như vậy, trong giai đoạn đầu thực hiện các quy hoạch từ 2013-2015, diện mạo các di tích sẽ có những thay đổi đáng kể; nhiều điểm di tích sẽ được mở rộng cả về quy mô và diện tích; những phế tích sẽ được lựa chọn để phục dựng, bảo tồn, đảm bảo sự bền vững với thời gian. Cùng với đó, hệ thống dịch vụ sẽ thay đổi mạnh mẽ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hành hương, đồng thời góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội trên địa bàn.