Lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới đối với Yên Tử: Chuyên gia quốc tế nói gì?
Lập hồ sơ đề cử Di sản thế giới đối với Yên Tử: Chuyên gia quốc tế nói gì?
Quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử bao gồm khu di tích (KDT) nhà Trần tại Đông Triều, KDT Yên Tử (Uông Bí) của Quảng Ninh và KDT Tây Yên Tử của Bắc Giang. Mỗi KDT trải rộng trên diện tích hàng nghìn ha với hàng chục điểm di tích, trong đó nhiều di tích nằm trên núi cao, để đến được hầu như phải đi bộ… Do thời gian hạn hẹp, việc khảo sát lần này của ông Paul Dingwall được lựa chọn tại 2 KDT của Quảng Ninh với một số điểm di tích tiêu biểu. Trong đó, ở Đông Triều là chùa Hồ Thiên, di tích được xây dựng vào năm 1327 dưới thời vua Trần Minh Tông, là nơi tu hành của các bậc cao tăng đời Trần và từng được đại trùng tu giai đoạn sau này. Do đường sá thuận lợi hơn nên việc khảo sát ở Yên Tử chạy dọc từ khu vực đường Tùng lên tới tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, An Kỳ Sinh, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông…
Việc trùng tu các điểm di tích thuộc Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử được khuyến cáo cần phải thận trọng. Trong ảnh: Hai tháp cổ tại cụm di tích Ngoạ Vân, Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được phục dựng lại năm 2013, được giới chuyên môn đánh giá khá cao.
Giá trị tôn giáo nổi bật
Chuyến đi đã để lại những ấn tượng sâu sắc với ông Paul. Ông tuyên dương tỉnh đã có cố gắng trong giữ gìn Yên Tử cho đến hôm nay cũng như ý tưởng tôn vinh di sản này. Dù vậy, ông cũng nhắc nhở rằng, việc đề cử hồ sơ di sản thế giới là con đường rất gian nan, đòi hỏi nỗ lực rất lớn cả về thời gian, công sức. Vì vậy, Quảng Ninh cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.
Một trong những điểm ông Paul nhấn mạnh là việc xác định tiêu chí đề cử chính xác cho di sản. Quảng Ninh hiện đang chọn tới 5 tiêu chí đề cử, ông gợi ý là nên giảm bớt đi, tạo thuận lợi khi chứng minh các tiêu chí cũng như tầm quan trọng của nó. Giảm tiêu chí cũng không làm giảm giá trị của Yên Tử mà giúp tập trung vào những giá trị chính, nổi bật trong hồ sơ.
Ông cho rằng, Yên Tử nên đề cử là di sản văn hoá chứ không nên đề cử di sản hỗn hợp, vì Yên Tử có 2 giá trị quan trọng nhất theo tiêu chí 5 và tiêu chí 6. Trong đó, tiêu chí 5 thể hiện là một ví dụ nổi bật về hình thức cư trú của con người, tiêu biểu của một nền văn hoá. Nó thể hiện sự tương tác giữa con người và môi trường. Yên Tử đã được các nhà sư lựa chọn để tu hành, vì có phong thuỷ tốt, cảnh quan hữu tình, họ cũng đã sáng lập ra một thiền phái phật giáo ở nơi đây. Lựa chọn tiêu chí 6 cũng rất quan trọng vì Yên Tử thể hiện được nét đặc sắc của tín ngưỡng, tôn giáo, đạo Phật. Tiêu chí này sẽ được UNESCO xem xét kỹ lưỡng, vì nó khó để xác định, chứng minh cả về giá trị vật thể và phi vật thể nhưng với Yên Tử có nhiều giá trị về tôn giáo, tín ngưỡng lại có thể chứng minh được. Quan trọng nhất là câu chuyện có liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm, đến phật giáo. Không cần lập hồ sơ xét đến tiêu chí số 7 là tiêu chí về cảnh quan, bởi giá trị cảnh quan ở Yên Tử là giá trị về tín ngưỡng, có thể bổ sung cho tiêu chí về tâm linh chứ không thuần tuý là cảnh quan thiên nhiên. Việc lựa chọn bỏ qua tiêu chí số 7 cũng sẽ không đòi hỏi có sự tư vấn, giám sát của IUCN nữa, với tiêu chí 5, 6 chỉ cần sự tư vấn của chuyên gia Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS) mà thôi, sẽ dễ hơn nhiều.
Yên Tử gồm 3 cụm di tích tách rời nhau, giống như 3 chương trong 1 quyển sách và có những câu chuyện mà khi kết hợp lại tạo thành một quần thể danh thắng, di sản. Việc của chúng ta là chứng minh mỗi chương này là 1 câu chuyện như thế nào, việc quản lý 3 quần thể này ra sao? Ông cũng lưu ý quan trọng là khi lập hồ sơ Yên Tử phải có sự so sánh với các di sản khác. Việc so sánh với những địa điểm khác có thể chứng minh những giá trị ở Yên Tử có phải là giá trị nổi bật toàn cầu hay không.
Giữ tính xác thực, toàn vẹn của di sản
Bên cạnh yếu tố thể hiện giá trị nổi bật toàn cầu, ông Paul cũng khẳng định điều quan trọng bậc nhất là tính xác thực, toàn vẹn, nguyên gốc của di sản. Cần giữ nguyên trạng những thứ thuộc về nguồn gốc không thể thay đổi của di sản. Các chuyên gia của ICOMOS sẽ đánh giá cao những kiến trúc nguyên gốc của di sản. Nếu có tôn tạo các phế tích thì không nên sử dụng những yếu tố hiện đại, và nên giữ nguyên kiến trúc, kiểu dáng của nó. Như ở Hồ Thiên hiện còn phế tích của 2 ngôi chùa, những phế tích này cực kỳ quan trọng, vì nhiều di sản đã được công nhận đều là phế tích. Đối với dự án xây lại ngôi chùa này, ông cho rằng có thể tái tạo lại 1 ngôi chùa trên nền cũ, nhưng phải đảm bảo giống như chùa ban đầu, cả về diện tích, kiến trúc, chất liệu xưa, bằng không thì hãy giữ nguyên phế tích đó; không nên sử dụng phế tích này cho mục đích khác; không đưa những vật liệu kiến trúc này sang chỗ khác, vì nếu làm mất đi phế tích này coi như đã làm mất đi tính chân xác của di tích, khó cho chuyên gia ICOMOS đánh giá về di tích.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không vì việc lập hồ sơ Di sản thế giới mà dừng tất cả mọi thứ lại, nhưng nếu xây mới thì phải đảm bảo không phát triển quá mức. Quan trọng là phải đánh giá được trong quá trình lập hồ sơ rằng việc trùng tu, xây dựng có thực sự cần thiết, công trình có được sử dụng bằng chất liệu địa phương, truyền thống hay không…